Hoa cúc có thể trồng quanh năm trên đất cát có nhiều mùn, đất pha sét, đất đỏ bazan hoặc đất thịt nhẹ nhưng tất cả đều phải tơi xốp và thoát nước tốt, độ pH từ 6 – 6,5. Đất phải có dinh dưỡng thỏa mãn nhu cầu phát triển của cây, do đó cần phải áp dụng phân bón cân đối.
Trong đó, đạm (N) có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cúc và ảnh hưởng đến thời kỳ phát triển. Cúc cần đạm vào thời kỳ chuẩn bị phân cành và phân hoá mầm hoa.
Phân lân lại có tác dụng làm cho bộ rễ phát triển mạnh, thân cứng, hoa bền, màu sắc đẹp, chóng ra hoa, giúp cây hút đạm nhiều và tăng khả năng chống rét cho cây. Còn kali (K) giúp cho cây tổng hợp, vận chuyển các chất trong cây, giúp cây chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu bệnh. Thiếu K màu sắc hoa không tươi thắm, mau tàn. Cúc cần lân và kali vào thời kỳ phân hoá mầm hoa.
Liều lượng phân bón cho hoa cúc trong 1 vụ/1.000m2 như sau: Phân hữu cơ: 200 – 300kg (có thể sử dụng phân trùn quế hoặc phân chuồng hoai mục 10 – 12m3), magiê sulphate: 5kg, vôi: 70 – 100kg (tùy theo độ pH của đất), phân hóa học (theo lượng nguyên chất): 25kg N – 16kg P2O5 – 20kg K2O. Có thể sử dụng phân đơn (urê, supper lân, kali) hoặc phân hỗn hợp (các loại NPK, DAP…) quy đổi theo liều lượng tương ứng.
Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, magie sulphat và ½ P2O5. Lưu ý: Không bón vôi chung với các loại phân bón như trên.
Bón thúc lần 1 sau trồng từ 10 – 15 ngày: 8kg N – 2kg P2O5– 2kg K2O.
Bón thúc lần 2 sau trồng từ 30 – 35 ngày: 8kg N – 2kg P2O5 – 4kg K2O.
Bón thúc lần 3 sau trồng từ 50 – 55 ngày: 5kg N – 2kg P2O5 – 7kg K20 .
Lần 4 sau trồng từ 70 – 75 ngày: 4kg N – 2kg P2O5 – 7kg K20.
Lưu ý:
Không bón phân vào buổi trưa nắng dễ gây cháy lá. Nên bón vào lúc 7 – 9 giờ sáng, những ngày đầy đủ ánh sáng. Sau khi bón cần tưới nước đẫm để cây có thể hấp thu phân bón. Không để phân rơi trên lá, trên ngọn vì phân sẽ làm cây bị cháy lá, ngọn. Có thể bón bổ sung một số phân vi lượng: MgSO4 10kg; FeSO4, ZnSO4, MnSO4 (từ 1 – 2kg mỗi loại); CuSO4: 0,5 – 1kg; Na2MoO4: 0,5- 1gr cho 1.000m2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét