Hoa kiểng rất có ý nghĩa trong cuộc sống. Ngoài việc tô điểm hương sắc cho đời, biểu lộ ý tưởng, tình cảm con người, hoa kiểng còn liên quan những sự kiện, nhân vật. Nhắc đến Bác Hồ ta nhớ đến cây vú sữa trong vườn Bác, đến hồ sen bát ngát ở làng Kim Liên. Vườn “ Ngũ bách lan” nhắc ta nhớ đến vua Trần Anh Tông. Nói về đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người ta nhắc đến hoa Ưu đàm, hoa Sen, cội bồ đề và đặc biệt là cây Sa La.
Hoa Sa la thường nở vào mùa thu, khi cây bắt đầu rụng trụi lá, chỉ còn lơ thơ vài bóng dáng màu xanh. Vài tuần sau đó, từ cành lớn, thân già, kể cả phần sát gốc – phún ra từng cụm hoa giống như cành hoa lan, có khi dài cả thước.
Hoa Sa la nở từ sớm tinh mơ. Cánh hoa tỏa mùi hương dụi dàng, ngọt ngào, nhụy hoa tỏa mùi nồng nàn, trong sáng. Hai mùi hương quyện vào nhau, thổi vào không gian như cống hiến cái sinh khí theo nhịp luân chuyển của tạo hóa.
Hoa Sa la nở lúc bình minh, làm không gian bừng sáng, ong bướm tựu về góp phần kết hợp chủng tử cho hoa. Càng về trưa, sắc hoa Sa la càng đậm đà rực rỡ như để bộc lộ hết cả tấm lòng son của mình dâng lên Đức Phật cao cả. Quá ngọ, sáu cánh hoa rụng dần, nhụy hoa cụp xuống, cành hoa lắng dịu như thu hồn, ấp ủ cái sức sống theo nhịp thâu tàng của tạo hóa, chuẩn bị cho một sự phát huy mạnh mẽ ở ngày mai. Sau mùa hoa Sa la nở rộ là mùa đâm chồi và kết quả.
Đến với cây Sa la đang nở hoa lúc sáng sớm, mùi hương và màu sắc hoa Sa la sẽ cho ta một cảm giác sáng khoái, như trút hết mọi ưu phiền và một tinh thần mạnh mẽ sẵn sàng bước vào một ngày mới đầy ắp những công việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét