Thiên lý là cây lưu niên, trồng một lần có thể cho thu hoạch 4 – 5 năm mới phải trồng lại. hoa Thiên lý được biết đến như là một loại rau trong chế biến món ăn, rau ghém dùng cho món lẩu. Hoa thiên lý cho nguồn lợi kinh tế cao, có thể giúp người trồng rau làm giàu. Để thiên lý cho nhiều hoa phải thực hiện biện pháp sau:
1. Chăm sóc:
Khoảng 20 ngày sau trồng, hom sẽ mọc mầm mới, leo theo choái tới mặt giàn. Chia tách các ngọn trải đều trên mặt giàn để tận dụng được nhiều ánh sáng, tránh chồng chéo lên nhau thì cây sẽ ra nhiều hoa.
2. Tưới nước:
Thiên lý có nhu cầu nước rất cao nhưng không chịu được úng ngập do đó cần xẻ mương rãnh để thoát nước. Sau khi trồng có thể tưới nước ngày 1 – 2 lần, sau đó giảm dần nhưng vẫn phải đảm bảo đủ độ ẩm, nhất là thời kỳ cây sắp và đang ra hoa. Có thể tưới theo rãnh dưới gốc và thỉnh thoảng dùng vòi xịt xịt nhẹ lên mặt tán để tăng độ ẩm môi trường kích thích thiên lý ra nhiều hoa.
3. Bón phân:
Bón thúc định kỳ bổ sung: khi cây đã lên giàn, khi cây bắt đầu ra hoa và sau mỗi đợt thu hái hoa. Rễ thiên lý ăn nông (0 – 15 cm) nên không cần xới xáo nhiều, chỉ cần rải đều phân trên mặt đất xung quanh khu vực gốc (đường kính khoảng 1m), phủ một lớp mùn, rơm rạ hoai mục lên và tưới nước.
Dùng phân chuồng đã được ủ hoai mục, phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh có bổ sung thêm phân vô cơ tổng hợp NPK loại 20-20-15 hoặc 16-16-8. Bình quân mỗi tháng bổ sung 1 lần khoảng 5 – 7 kg/gốc, bón kết hợp 150 – 200 g NPK cho 1 gốc. Tránh dùng phân tươi hoặc phân chưa hoai hẳn. Khi đã bắt đầu vào thu hoạch không nên bón nhiều đạm nên tăng cường lân và kali.
4. Đốn tỉa:
Thu hái hoa thiên lý nên kết hợp cắt tỉa bớt các lá già, ngọn già, gốc chùm hoa già. Tháng 12, cây ngừng sinh trưởng, tiến hành đốn cách gốc 40 – 50 cm hoặc đốn ngay đầu giàn; dỡ bỏ hết cành nhánh trên giàn; bón nhiều phân chuồng hoai, tủ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô và tưới đủ ẩm thường xuyên.
5. Thắp đèn:
Vào các tháng có ngày ngắn, mắc rải rác một số bóng đèn điện tròn trên mặt giàn nhằm tăng cường thêm thời gian chiếu sáng, kích thích cây thiên lý ra nhiều nụ, nhiều hoa. Thời gian thắp đèn thường mỗi đêm 2 lần: từ 19 – 22 giờ đêm hôm trước và từ 3 – 5 giờ sáng hôm sau.
6. Phòng trừ sâu bệnh:
Thiên lý ít bị sâu hại, chủ yếu là rầy mềm, bọ trĩ thường xuất hiện trong các tháng nắng nóng. Cần theo dõi thường xuyên để phát hiện và phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc có nguồn gốc vi sinh hay thảo mộc ngay từ khi mới xuất hiện. Cũng có thể sử dụng các loại bẫy keo dính màu vàng.
Các loại bệnh do nấm gây ra như thối gốc, thối rễ, thối hoa do môi trường dưới mặt giàn và mặt đất vừa thiếu ánh sáng, vừa có độ ẩm quá cao hoặc bị đọng nước, nhất là các tháng mùa mưa. Thường xuyên cắt tỉa bớt các lá già, các cành, nhánh vô hiệu, giãn bớt cành, lá cho mặt giàn thông thoáng nhằm hạn chế độ ẩm. Khơi thông mương rãnh để thoát nước nhanh trong các tháng mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Benlat C, Ridomil, Aliette… để phun trừ khi cây bị bệnh nặng với nồng độ 0,2 – 0,3% (pha 20 – 30g/bình 10 lít phun đều trên mặt tán và tưới vào gốc vùng bị bệnh nặng).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét