Lily là một trong những loại hoa có giá trị kinh tế cao, màu sắc đẹp, hoa thơm, lâu tàn, được ưa chuộng trên thế giới. Ở Việt Nam, lily được trồng chủ yếu ở Đà Lạt. Từ năm 2001 lily bắt đầu được trồng ở các tỉnh phía Bắc, với diện tích và quy mô trồng đang tăng lên nhanh chóng.
I. GIỚI THIỆU
Lily là một trong những loại hoa có giá trị kinh tế cao, màu sắc đẹp, hoa thơm, lâu tàn, được ưa chuộng trên thế giới. Ở Việt Nam, lily được trồng chủ yếu ở Đà Lạt. Từ năm 2001 lily bắt đầu được trồng ở các tỉnh phía Bắc, với diện tích và quy mô trồng đang tăng lên nhanh chóng.
II. KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC
1. Thời vụ trồng
Đối với các tỉnh phía Bắc trồng lily chậu chủ yếu ở vụ Đông T10-T11 (23-29/9 âm lịch) để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán. Ngoài ra có thể trồng vụ Đông Xuân T11- T12 để thu hoạch vào dịp 8/3.
2. Chuẩn bị nhà che
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế, nên trồng lily chậu trong nhà có mái che; có thể dùng nhà hiện đại, nhà đơn giản hoặc che tạm tuỳ theo điều kiện canh tác.
3. Chuẩn bị giá thể trồng lily chậu
- Yêu cầu: tơi xốp, thoát nước tốt, không chứa mầm bệnh hại. Hàm lượng muối: EC=0,5-0,8mS/cm, pH=5,5-6,5
- Giá thể: Đất + xơ dừa + phân chuồng với tỷ lệ 1:1:1 (về thể tích).
- Trước khi trồng, giá thể phải được xử lý nấm bệnh. Dùng Foocmalin 40% pha theo tỷ lệ 1/80 - 1/100 lần phun hoặc tưới vào giá thể, trộn đều, phủ kín nilon ủ từ 3-5 ngày, sau 1-2 ngày là trồng được.
4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
4.1. Chọn củ giống
Củ giống đem trồng có chu vi là 16/18cm, 18/20cm hoặc >20cm.
4.2. Kỹ thuật trồng
a, Xử lý nấm bệnh củ giống trước khi trồng:
Dùng Daconil 75WP hoặc Rhidomil Gold 68%WP (pha tỷ lệ 20-25g/10 lít nước), ngâm củ 10-15 phút, sau đó vớt củ, để ráo nước rồi đem trồng.
b, Kỹ thuật trồng
- Dùng chậu nhựa hoặc chậu sứ có kích thước 22 x 16 x 25 cm trồng 3 củ/chậu; 32 x 20 x 30 cm trồng 5 củ/chậu.
- Cách trồng: Cho giá thể vào chậu (dày tối thiểu 8cm), đặt củ sao cho mầm củ quay ra phía ngoài sau đó phủ giá thể dày 8-10 cm (tính từ đỉnh củ). Khi trồng xong phải tưới nước thật đẫm đảm bảo độ ẩm cho củ và giá thể. Xếp chậu với chậu cách nhau 10 - 15cm (tính từ mép chậu). Để tiện chăm sóc nên xếp 4 chậu/hàng với chậu 3 cây và 3 chậu/hàng với chậu 5 cây.
4.4. Kỹ thuật tưới nước
- Luôn phải giữ ẩm cho giá thể trong suốt quá trình trồng
- Tưới cây ở phần gốc, tránh làm lá và nụ bị ướt
- Kinh nghiệm kiểm tra lượng nước tưới vừa đủ: Bóp chặt 1 nắm giá thể sau khi tưới, không thấy nước rỉ ra ngoài tay, giá thể không bị tơi ra.
4.5. Kỹ thuật che giảm và chiếu sáng bổ sung sau trồng
- Che lưới đen: dùng 1 hoặc 2 lớp lưới đen (tùy theo điều kiện từng năm) che cách chậu từ 2,0 - 2,5m. Sau 15-20 ngày, tiến hành bỏ lưới đen ra. Tùy theo điều kiện thời tiết những ngày nắng nóng thì có thể kéo lưới đen lại.
- Bổ sung ánh sáng: sau trồng 35 - 45 ngày, cần chiếu sáng bổ sung 3h (18 - 21h) mỗi ngày, liên tục trong 20 ngày để giảm tỷ lệ thui nụ, nụ biến dạng.
4.6. Kỹ thuật bón phân
- Sau trồng 3 tuần (cây lily cao 15 - 20cm) thì tiến hành bón thúc. Sử dụng phân Đầu Trâu có thành phần N-P-K (20-20-15+ Te) pha loãng 1kg/250 lít nước hoặc để tưới cho 600 chậu 3 cây (100 m2). Định kỳ 5-7 ngày/1 lần.
- Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng hoa, khi cây đã mở lá (20 - 25 ngày sau trồng) có thể phun một số phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng như: Atonik, Đầu Trâu (502, 901, 902), phun định kỳ 5 - 7 ngày/lần.
III. THU HOẠCH VÀ TIÊU THỤ HOA
- Khi chậu có 1 nụ trắng chuyển hồng (khoảng 80 ngày sau trồng) có thể đưa đi sử dụng. Nếu vận chuyển đi xa xếp chậu khít chặt nhau để giảm va đập khi vận chuyển. Có thể dùng bao hoa bao những nụ hoa to lại trước khi vận chuyển.
- Trong quá trình sử dụng để chậu hoa ra ngoài ánh sáng 1-2h (8-10h sáng) mỗi ngày. Tùy vào độ ẩm của chậu có thể 2-3 ngày tưới/1 lần.
VI. Phòng trừ sâu bệnh
1. Sâu hại: Lily rất ít bị sâu hại, một số loại sâu hại chính là:
1.1. Rệp: chủ yếu là rệp xanh đen, rệp bông.
- Thường làm cho cây còi cọc, ngọn quăn queo, nụ bị thui hoặc dị dạng.
- Sử dụng Actara 25WG liều lượng 1g/bình 8 lít (25-30g/ha), Suprathion 40EC liều lượng 10-15 ml/bình 8 lít, ...
1.2. Sâu hại bộ cánh vẩy (sâu khoang, sâu xanh, sâu xám)
- Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên. Sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non, khi cây có nụ sâu ăn đến nụ và làm hỏng nụ.
- Sử dụng Suprathion 40 EC liều lượng 10 -15 ml/bình 8 lít; Pegasus 500 SC liều lượng 7 - 10 ml/bình 8 lít.
2. Bệnh hại
2.1 Bệnh thối củ, vảy củ (Fusarium)
- Cây ngừng sinh trưởng, bộ lá xanh nhợt đi. Trên vảy củ và phần dưới thân cây sát củ xuất hiện chấm màu nâu và phát triển rộng làm thối củ.
- Khi mới chớm bệnh có thể dùng Daconil 75WP tưới vào gốc cây với liều lượng 10g/8l nước; Anvil 10-15g/8l nước. Nếu bệnh nặng nên nhổ bỏ tránh lây sang cây khác.
2.2. Bệnh teo, rụng nụ
- Khi nụ hoa mọc dài 1-2cm có màu xanh nhạt dần dần chuyển màu vàng và làm rụng nụ. Đôi khi trong quá trình phát triển cũng gặp hiện tượng nụ hoa chuyển hoàn toàn sang màu trắng, khô, teo lại và rụng.
- Do vậy, cải thiện bằng cách chiếu sáng đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng, nước tưới, cải tạo đất... có thể khắc phục được hiện tượng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét