Các loại chậu hoa kiểng treo rất phong phú về chủng loại như dừa cạn, dã yến thảo, son môi, lan tim, cá vàng….nên được người dân đô thị dùng để trang trí sân nhà, chỉ cần góc sân hay mái vòm là có thể treo vài chậu hoa xinh xắn cho vui nhà vui cửa.
Tuy nhiên để duy trì những chậu hoa kiểng treo tại nhà sao cho lâu tàn và ra hoa thường xuyên không hề đơn giản, vì môi trường đô thị khác hẳn với nhà vườn. Lúc ban đầu khi mua về các chậu hoa kiểng treo luôn luôn rực rỡ nhưng khi hết đợt hoa thì chậu treo có dấu hiệu suy dinh dưỡng, lá nhỏ dần , hoa mới thưa thớt đôi khi bị héo rủ chết đột ngột….tất cả vấn đề trên đều do nguyên nhân chậu treo không kịp thích nghi khi bị thay đổi môi trường đột ngột.
Mời các bạn tham khảo cách chăm sóc chậu hoa kiểng treo tại nhà sau đây.
1. Chế độ ánh sáng và tưới nước cho chậu hoa kiểng treo
1.1 Về độ chiếu sáng
Khi mua chậu hoa kiểng treo bất kỳ bạn cần tìm hiểu hay hỏi người bán về chế độ ánh sáng phù hợp từng loại hoa kiểng treo.
Ví dụ: chậu hoa như dừa cạn, dã yến thảo, nữ hoàng,…đều cần ánh sáng 100% ( nắng hướng Đông) hay 50-60 % đối với các hướng nắng khác, khi chậu hoa treo có đủ ánh sáng mới đảm bảo ra hoa thường xuyên lâu dài, nên để chậu hoa treo nơi sân thượng, mé hiên có nhiều nắng chiếu.
Trường hợp các chậu kiểng treo như son môi, cá vàng, lan tim, hạt dưa, cỏ lan chi, trầu bà, dương xỉ…thì thích hợp với chế độ 60-70 % ánh sáng, vì thế có thể để chậu nơi có ánh sáng yếu như trong nhà gần cửa sổ, dưới bóng tán cây, giếng trời…
1.2 Về tưới nước
Đối với chậu hoa treo cần đảm bảo chậu luôn luôn ẩm, sáng sớm nên tưới nhiều ướt đẫm, chiều mát vào khoảng 16 -17 giờ thì tưới nhẹ, tưới gọn vào gốc không làm văng rơi đất trong chậu treo, không tưới lên hoa làm nước vào chậu ít sẽ không đủ ẩm cho cây.
Lưu ý không tưới nước vào lúc chiều tối, vì nước đọng nhiều trên hoa qua đêm sẽ gây nhiều mầm nấm bệnh gây vàng lá, thối úng rễ.
2. Bón phân và chăm sóc chậu hoa kiểng treo tại nhà
2.1 Về bón phân cho chậu treo
Bón phân cho chậu hoa kiểng treo sử dụng phân bón lá như K-humat, vitamin B1, Atonik, Rong biển, 30.10.10, 20.20.20….dùng luân phiên tháng phun hai lần lúc chiều mát với liều lượng như hướng dẫn nhà sản xuất. Để dưỡng hoa lâu tàn thì dùng thêm phân bón lá dưỡng hoa NPK 15.20.25.
Bón phân cho gốc thì dùng luân phiên phân NPK ra hoa 15.9.25, Dynamic lifter, 16.16.8 với liều lượng nữa muỗng cà phê nhỏ cho vào gốc tránh đặt vào bộ rễ, định kỳ hàng tháng bón một lần.
Khi thấy bộ rễ chậu treo lộ lên trên thì phủ thêm lớp giá thể hay đất dinh dưỡng lớp dầy 2 cm, nếu để rễ bị ánh sáng chiếu trực tiếp vào sẽ làm chết rễ sau đó từng nhánh hoa sẽ héo dần, trường hợp héo từng nhánh khác héo rủ cả cây do bị nhiễm virút bệnh.
Lưu ý trước khi bón phân gốc cần tưới nước nhiều, Còn phân bón lá phải đợi cho lá khô nước thì mới phun phân bón lá vào chậu treo.
2.2 Về chăm sóc chậu treo
Chăm sóc chậu treo nói chung khá đơn giản, chỉ cần lặt bỏ hết lá khô vàng, cánh hoa tàn và cắt bỏ nhánh chết thường xuyên.
Không để nước mưa rơi trực tiếp vào chậu hoa kiểng treo sẽ làm dập hết lá hoa, không để chậu treo bị dư nước làm cho rễ úng nhũn, bắt và tiêu diệt những con ốc sên nhỏ li ti cắn rễ cây trong giá thể trồng cây.
Trường hợp sau thời gian hoa kiểng lớn nhanh, bộ rễ hết đất do chậu treo có kích thước nhỏ thì tiến hành thay bằng chậu treo lớn hơn, khi thay chậu treo nên làm lúc chiều mát, dùng hai tay lật ngược chậu treo, môt tay giữ mặt chậu, tay kia rút lấy chậu ra thật nhẹ nhàng để lấy toàn bộ rễ ra tránh không làm tổn thương hệ rễ cây, sau đó đặt vào chậu treo lớn hơn với lớp giá thể lót xung quanh và bên dưới.Sau đó phủ nhẹ thêm lớp giá thể lên trên mặt chậu rồi tưới nước đầy đủ.
3. Phòng trừ sâu bệnh cho chậu treo
Vì chậu treo ở nhà vườn được phun thuốc BVTV thường xuyên nên ít bị sâu bệnh tấn công, khi vừa mua về nên phun ngay một đợt phân bón lá kèm với thuốc kháng sinh để giúp chậu treo thích nghi dần với môi trường mới, nếu không xử lý trước thì chậu hoa treo thường bị virút tấn công gây héo rủ chết đột ngột. Khi thấy chậu treo héo rủ bất thường cần phải nhổ bỏ ngay để cách ly nguồn virút gây bệnh cho các cây khác.
Ví dụ: Chậu treo dừa cạn rũ tương đối mẫn cảm với sự thay đổi môi trường nên hay bị héo rũ đột ngột, còn chậu treo dã yến thảo thì bị héo từng nhánh do rễ cây phát triển quá nhanh lộ ra ngoài bị ánh nắng chiếu trực tiếp….
Công thức phân thuốc lần đầu tiên như sau: 20.20.20 , vitamin B1, thuốc bệnh kháng sinh sinh học Valivithaco hay Kasumin…3 thứ phân bón lá pha chung cho một lần sử dụng, tưới ướt hết tán lá và gốc chậu treo.Phun lần kế tiếp cách 7-10 ngày sau lần 1, và phun khi có thời tiết bất thường như mưa, chuyển mùa…Những lần phun sau có thể thay thế những phân bón lá, thuốc bệnh khác nhau để tránh lờn thuốc.
Để có được chậu hoa kiểng treo tại nhà đẹp như nhà vườn cần sự nhẫn nại chăm chút của gia chủ, nếu các bạn thực hành trải nghiệm chăm sóc chậu treo của mình tại nhà 2-3 tháng mà chậu treo đã ra hoa mới có cánh to đẹp là xem như bạn đã thành công.Tuổi thọ của chậu hoa kiểng treo có thể kéo dài 6 tháng đến một năm nếu các bạn quan tâm chăm sóc cây đầy đủ.
Ngọc Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét