Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Cách chăm sóc mai nở đúng Tết

Nếu đến 23 tháng Chạp nụ xanh, lớn, hoa nở sớm có thể dùng lòng trắng trứng vịt phun lên nụ để giữ hoa không nở, sau đó tưới nước rửa vào trưa 29 tháng Chạp.

1. Biện pháp canh mai
IMG_9745 sĐể có cây mai nở đúng giao thừa, sáng mùng một tết do chính chúng ta chăm sóc thì còn gì thú vị hơn. Cần lưu ý những điểm chính sau đây:
- Bón phân đúng lúc, đúng loại.
- Tưới nước đúng thời gian: Cây trồng chậu, mùa khô tưới 2 lần/ngày, mùa mưa mỗi ngày tưới 1 lần.
- Cây trồng đất, mùa khô ngày tưới 1 – 2 lần, mùa mưa có thể 1 – 2 ngày tưới 1 lần.
Cần lưu ý trong cả hai trường hợp khi mùa mưa sắp dứt, phải tưới đẫm nước mỗi ngày cho đến tháng 12 âm lịch mới giảm dần lượng nước tưới, 2 ngày tưới 1 lần chuẩn bị lặt lá mai.
Tưới nước đều vào cuối mùa mưa đến Tết Nguyên đán theo hướng dẫn, nếu đến giữa tháng 10-11 bộ lá còn xanh là tốt nhất, nếu lá đã chuyển sang vàng, hoa nở lác đác cần hãm hoa lại bằng cách tăng nước tưới pha ít urê để cây đâm tược lá, chậm quá trình nở hoa.
– Xem nụ: Đến rằm tháng 8 âm lịch cây mai đã có nụ non. Nếu thấy ít nụ cần tăng cường bón thúc thêm một lần phân NPK 15-30-15 100 gr/gốc để mai có nụ nhiều hơn.
– Lảy lá: Thông thường ta lảy lá vào rằm tháng Chạp, tuy nhiên có thể lảy lá sớm hay trễ tuỳ thuộc vào: Nụ lớn thường lảy lá vào 17,18,19 tháng Chạp. Nụ nhỏ lảy lá vào 13 – 14 tháng Chạp. Mai ghép nhiều cành như mai giảo lẩy từ 10-13 tháng Chạp, mai 24 cánh lảy từ mùng 8-12 tháng Chạp, mai 100 cánh lảy từ mùng 6-10 tháng Chạp.
Tình trạng sức khoẻ của cây mai: Cây khoẻ lảy lá sớm, cây yếu lảy lá trễ và cắt bớt nụ hoa.
IMG_9734 sThời tiết trở lạnh: Lảy lá sớm hơn 5-7 ngày hoặc tưới nước ấm 35-42 độ C, ngày 2 lần. Thời tiết nóng lảy lá trễ hơn 1-3 ngày, sau khi lảy lá đến 23 tháng Chạp nếu thấy nụ mai tróc vỏ lụa nhiều, nở đúng tết, nếu chưa tróc vỏ lụa có thể tưới nước vào buổi trưa, phun thuốc kích thích như Aron 1-2%, phun 2 lần, mỗi ngày một lần; Dekamon 1% phun 3 lần, mỗi ngày 1 lần. Nếu đến 23 tháng Chạp nụ xanh, lớn, hoa nở sớm có thể dùng lòng trắng trứng vịt phun lên nụ để giữ hoa không nở, sau đó tưới nước rửa vào trưa 29 tháng Chạp. Cần lưu ý biện pháp này chỉ giúp cây chậm nở hoa 1-2 ngày nếu kéo dài cây sẽ bị rụng nụ.
2. Phòng trừ sâu bệnh
- Sâu đục thân: Đây là loại sâu làm cây bị hư hại nặng nhất, mỗi sáng quan sát vườn nên chú ý xung quanh gốc mai có những bột gỗ xuất hiện không, nếu có phải xem xét thân cây, có lỗ nhỏ, số lượng nhiều ít, dùng kẽm chọc vào lỗ hoặc dùng thuốc trừ sâu Sec Saigon 10EC bơm thẳng vào lỗ mọt.
Biện pháp ngừa tốt nhất là dùng Diaphos 10H, Gà Nòi 4G rải đất 6 tháng/lần.
- Rầy, rệp các loại như rầy bông, rệp sáp… chích hút nhựa làm lá bị xoắn vàng, chết cành. Cần lưu ý các loại rầy, rệp là tác nhân truyền bệnh siêu vi trùng. Do đó phải chú ý phòng trị, nếu bị ít có thể dùng Sairifos 585 EC phối hợp dầu khoáng SK Enspray 99EC.
- Các loại sâu ăn lá khác như sâu tơ, sâu nái… phun thuốc sâu như Sairifos, SK Enspray 99 EC, Sec Saigon 10EC… định kỳ 1 tháng 1 lần.
- Nhện đỏ (rầy lửa) sử dụng dầu khoáng SK 99EC, Sairomite 57EC.
- Bệnh hại: Nấm hồng khá nguy hiểm cho cây, nấm bám lá làm cháy lá, khô cành, sử dụng Vanicide 5SL; Alpine 80WG; Mexyl MZ 72WP.
- Vi khuẩn có thể dùng thuốc gốc đồng như Copforce blue, Alpine 80WG.
- Bệnh do thiếu vi lượng: Đây là bệnh do sinh lý do cây cần những loại vi lượng (Bo, Mo ,Fe, Mg, Mn…) sử dụng phân bón Poly feed 15-15-30. Xới xáo kết hợp nhổ cỏ dại: Vào mùa mưa 45 ngày/lần để tạo độ thông thoáng cho cây.




Làm sao cho Mai nở như ý vào ngày Xuân

Năm nay theo dự báo, thời tiết nóng rất nhiều nên việc lặt lá có lẽ sẽ tốt. Nhưng theo kinh nghiệm, tôi thấy càng về sau thời tiết càng thay đổi bất thường lúc nóng, lúc lạnh. Vì vậy từ nay đến lúc lặt lá phải xem lại cây Mai của ta.

lộc non- Nếu còn ít lá mà lá già nhiều hoặc bị cháy rìa nụ thì nên đem vào nơi có bóng mát nhiều và tránh bớt nắng chiều.
- Nếu nụ chưa già mà còn xanh hoặc chưa căng tròn thì tăng cường nắng.
Nhưng tất cả đều phải giữ cây đủ nước và không vô phân kích nụ nữa. Đến 10/12 âm lịch vào mạng để ghi lịch dự báo thời tiết đến 25/12 âm lịch. Sau đó xem xét để định ngày lặt lá và hãy nhớ năm nay chỉ có 29 âm lịch là giao thừa. Nhưng để nhẹ nhàng hơn tôi xin chia sẻ một điều mà tôi thấy thuận lợi cho người vừa bận rộn trong công việc mà vẫn lo được cho cây Mai nở hoa Tết đẹp.
Từ 6 âm lịch ta tỉa 1/3 hoặc 1/4 số lá từ dưới gốc trở lên (thí dụ 1 cành Mai từ gốc lên có 20 lá ta tỉa từ dưới lên khoảng 7-8 lá).
Đến 12 âm lịch ta lại tỉa tiếp 6 -7 lá nữa và đến ngày quyết định lặt ta sẽ lặt hết số lá còn lại. Điều này sẽ làm cho cựa nụ căng hơn, già hơn, dễ bung áo lụa hơn và Mai sẽ bung dần dần kéo dài thời gian nở của cây Mai.
Theo tôi thấy năm nay ngày lặt lá nếu trời nóng ta lặt lá ngày 14 hoặc 15 âm lịch tùy nơi trồng khô hay ẩm. Nếu theo lịch nhiệt độ mà mát lạnh thì ta lặt 12 hoặc 13 âm lịch. Nhưng để an toàn và cho hoa nở đẹp thì 17 âm lịch tôi xịt phân NPK 10-55-10 vào buổi sáng. 18 âm lịch xịt lần 2. 19 âm lịch tôi xịt thuốc trừ sâu vifac SEC, hoặc vi Decis. Nhớ phun sớm khoảng 7 giờ sáng để nắng lên nụ dễ bung áo lụa.
20 và 21 âm lịch ngâm 1 viên Gibberelic acid với 100 lít nước ( viên của USA). Sau đó cứ 12 lít nước   thêm 1 ống HQ 201 phun đều trên nụ cành gốc. Ta phun 3 lần (1 lần sáng 20 âm lịch, 1 lần chiều 20 âm lịch và một lần sáng 21 âm lịch). Trong thời gian phun xịt thuốc ta tưới nước trễ hơn bình thường (tầm 9-10 giờ) và phải giữ cho cây đủ ẩm. Đến khi thấy cây bung áo lụa khoảng 1/5 thì ta sẽ phun NPK 6-30-30 mỗi sáng 1 lần đến 26 hoặc 27 âm lịch thì ngưng để làm cho cây không rụng nụ, hoa nở lớn đẹp, màu tươi.
Còn một điều nữa là nếu trời nóng, nụ bung sớm ta đem vào nơi mát thì nụ sẽ chậm lớn và để lá lộc.
Mong rằng năm nay các bạn sẽ có cây Mai đẹp đón Xuân.




Kỹ thuật trồng sen bằng hạt trong chậu


Cây sen ( cây hoa sen – liên hoa) có tên khoa học là Nelumbo nucifera

Sen thuộc nhóm thực vật thủy sinh sống đa niên, là thực vật có củ ( căn hành ) dài, có ngăn ngang.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sen trồng chậu được  sử dụng trang trí cảnh quan  ngoại thất, sân vườn. Ngoài các giống sen bản xứ có màu trắng,  hồng ( giống màu hồng đậm xuất xứ từ Đồng Tháp được ưa chuộng với trồng làm cản), hiện nay thị trường còn có thêm các giống nhập nội với nhiều màu và kích thước nhỏ, gọi là sen mini.
1. Xử lý hạt giống
Chọn hạt tròn đều, to, mẩy. Dùng dao bén, cắt phần vỏ cứng ở phần đầu hạt sen ( phần đầu có vết lõm vào nhỏ). Lưu ý thao tác cắt thật chậm rãi, cẩn thận, không được để tổn thương phần nhân trắng bên trong, chỉ cắt lớp vỏ cứng ở phía đầu để hạt dễ nẩy mầm.
Ngâm hạt đã cắt phần vỏ vào trong nước ( nước phải ngập hết hạt). Mỗi ngày thay nước 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày, hạt sẽ nẩy mầm. Khi mầm dài 12 cm tiến hành trồng ra chậu.
uom hat sen nen2. Kỹ thuật trồng
2.1 Thời vụ
Sen trồng làm cảnh có thể gieo trồng quanh năm. Có 2 vụ trồng sen chính là vụ Đông xuân, vào tháng 12 đến tháng 01(dương lịch) và vụ Hè thu,từ tháng 5 đến tháng 7. Nhưng thời gian trồng tốt nhất nên vào mùa Xuân – hè.
Thời gian sinh trưởng của cây sen bắt đầu trồng đến ra hoa giao động từ 4 – 8 tháng.
2.2  Chuẩn bị vật liệu, chất trồng
Chọn chậu có đường kính 30cm trở lên, gieo số hạt tùy vào kích thước chậu, trung bình chậu với kích thước 30cm gieo 1 hạt.
Chất trồng có thể là đất sét pha với đất cát bùn theo tỷ lệ 2:1; đất thịt giàu dinh dưỡng, cũng có thể lấy bùn trực tiếp từ đầm lầy hoặc ruộng về để trồng. Nếu không có đất bùn có thể thay thế bằng đất sạch mua tứ các cửa hàng.
2.3 Trồng hạt vào chậu
Cho đất trồng đã chuẩn bị vào ½ chậu, đổ nước vào chậu rồi khuấy đều hỗn hợp. để khoảng  2-3 ngày cho bùn lắng xuống đáy chậu. Đổ bớt nước ra khỏi chậu, chừa lại lượng nước cao hơn lượng đất khoảng 10cm.
Tiến hành đặt hạt đã nẩy mầm chuẩn bị sẵn vào giữa chậu, đặt nhẹ nhàng, không nén hạt mà chỉ ấn hạt hơi lún một ít vào bùn.
2.4 Chăm sóc
– Ánh sáng : Sen ưa sáng nên đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, ít nhất 6 tiếng mỗi ngày để cây quang hợp tốt.
– Bón phân : Sau khi trồng ra chậu khoảng 1 tuần thì tiến hành bón thêm một số loại phân như sau :
Phân hữu cơ : 1 muỗng cà phê nhỏ ( gói trong giấy, ấn sâu xuống bùn, cách gốc 10cm)
Phân hỗn hợp NPK : Rắc phân chậm tan vào bùn sát thành chậu, nên bón 1 tháng/lần. cây dưới 3 tháng sử dụng NPK 30-10-10; cây từ 3 tháng sử dụng NPK 20-20-20. Lượng phân tùy vào kích thước chậu, chậu 50cm sử dụng lượng phân ½ muỗng cà phê.
Chú ý : Nên bón luân phiên các loại phân, không nên bón vôi với lượng lớn để tránh cây bị xót. Thời gian bón mỗi loại nên cách xa nhau, không bón nhiều loại cùng lúc.
Vệ sinh : Nên bổ sung nước cho chậu 1-2 lần/ tuần ( tốt nhất là 1-2 ngày lần). khi bổ sung nước nên tưới để nước trong chậu chảy tràn ra ngoài.
Cắt bỏ hoa héo, tàn, lá úa, sâu bệnh. Để cây có nhiều hoa nở, cắt sát tận chân cuống tất cả các bông hoa đã tàn.
Thay chất trồng : Sau 1 năm, sen hấp thụ hết các chất dinh dưỡng trong chất trồng nên phải tiến hành thay. Nhổ sen lên, trong trường hợp bụi sen phát triển quá to, tiến hành tách bụi, rồi trồng lại.
2.5 Phòng trừ sâu bệnh
- Sâu ăn lá : Sâu ăn tạp thường xuất hiện và gây hại trong mùa nắng, chủ yếu ăn lá non đến trưởng thành. Sử dụng thuốc Alika 241SC hoặc confidor cộng dầu khoáng SK 98EC, tập trung xịt những nơi có sâu, khi sâu còn nhỏ.
– Bù lạch, rầy mềm, bọ trĩ : Đối tượng chích hút, xuất hiện quanh năm thường có mật số rất cao trong mùa nắng, tấn công hầu hết trên các bộ phận còn non của cây, chúng bám vào cuống lá, cuống hoa chích hút làm lá bị co rúm, cuống bị chay sần và quăng queo… Sử dụng luân phiên các loại thuốc Alika 247SC, reget 800, Virtako 40WG cộng với dầu khoáng SK 98EC xịt đều phía dưới lá, bông.
- Bệnh hại
Bệnh thán thu Colleetotrichum sp, gây hại nặng nhất trên cây sen tấn công trên hầu hết trên các bộ phận của cây sen như: Lá,bông,hạt,gương.
Triệu chứng : Vệt bệnh màu nâu, khô, hình hơi tròn, vết bệnh phát triển lớn le6nva2 liên kết nhau làm khô cháy một mảng lá, lá vàng úa và rụng, cây sinh trưởng kém.
Các loại thuốc đặc trị thán thư như : Ridomil 68WP; Ridozed 72 WP; Antracol 700WP.
Bệnh đốm phấn do Erysiphe polygoni, Cercospora sp, Ovularia sp và Cylindrocladium hawkesworthii.
Triệu chứng : Vết bệnh màu vàng, lồi lên trên phiến lá, sau đó chuyển sang màu đen. Bệnh làm giảm quang hợp, ảnh hưởng sinh trưởng. Trị bằng các loại thuốc trừ nấm gốc đồng.



Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Mai trắng "đại gia" hút khách giữa làng đào

NGÀY NAY CÓ NHIỀU LOẠI CÂY CẢNH PHỤC VỤ NHU CẦU CHƠI TẾT, THÚ CHƠI MAI TRẮNG ĐANG BỊ MAI MỘT. NHƯNG ĐÂU ĐÓ TRONG LÒNG HÀ NỘI, VẪN CÓ NHỮNG NGƯỜI SAY MÊ LOÀI HOA ĐẸP BẬC NHẤT TRONG "THẬP ĐẠI DANH HOA" XƯA.

Ở làng Nhật Tân (Hà Nội), hiện vẫn có nhiều gia đình trồng giống mai quý này dù nhu cầu thị trường không cao. Người yêu vẻ đẹp tinh tế của loài hoa này sẵn sàng bỏ ra vài triệu tới vài chục triệu để thuê một cây mai trắng chơi dịp Tết.
Mai trắng miền Bắc còn gọi là chi mai, cùng họ với đào, mơ, mận. Lúc chưa nở, nụ mai màu hồng, khi nở rồi thì chuyển sang trắng muốt, vài ngày sau lại chuyển sang phớt hồng rồi mới tàn. Người chơi thường chăm chút cho bộ gốc rễ thật đẹp, cổ kính, phong sương, tán hoa đẹp và bông trắng muốt.
Để được một cây mai nở hoa đẹp, việc chăm sóc đòi hỏi nhiều công sức và cả kinh nghiệm. Theo đó, chi mai là giống ưa nước nhưng không nên tưới quá ẩm. Cây mai vốn thân mảnh khảnh, người có kinh nghiệm sẽ không để cho cây tốt lá tốt cành. Sang mùa hè, mai hay bị chảy nhựa, sâu đục thân nên phải lưu tâm, có thể dùng nước vo gạo hay nước ốc để tưới cho cây.
Việc uốn tỉa cũng khá công phu, uốn mai có khi mất cả năm mới vào thế, tỉa mai thường 2 lần trong một năm. Sau khi chơi Tết, người chơi sẽ chăm mai đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 Âm lịch để có độ dài của dăm như ý. Từ đó đến Tết, họ phải cắt tỉa, trước Tết tuốt lá để ra hoa.
Mai trắng
Hơn 300 gốc mai trắng của gia đình anh Trần Tiến Dũng (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) đang được mở bán. Đây là nơi chuyên bán loại mai trắng, hay còn gọi là nhất chi mai (hoa mai nở 1 lần) duy nhất tại vườn đào Nhật Tân.
Mai trắng
Nhất chi mai là loại hoa có màu trắng pha hồng nhạt , dáng mảnh khảnh nhưng cứng cáp, tuy hoa nhỏ nhưng lại có nét đẹp thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng
Mai trắng
Mai trắng
Vẻ đẹp đặc biệt của chi mai không chỉ ở hoa mà còn trong dáng dấp phong sương. Lá mai trắng nhỏ, thân cây phủ lớp địa y đen, xù xì mang vẻ cổ kính.
Mai trắng   Mai trắng   
Để chăm sóc một gốc mai có thể bán ra thị trường phải mất từ 2 - 10 năm. Anh Dũng cho biết, những gốc mai này có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nam Định. Việc chăm sóc khó nhất là cắt tỉa cành và tạo dáng
Mai trắng  
Giá mỗi cây dao động từ 1 - 10 triệu đồng. Một nửa số cây tại vườn đã có người đặt mua trước Tết cả tháng
Mai trắng  Mai trắng
Những gốc xù xì thế đẹp sẽ được rao bán đắt hơn
Mai trắng    
Người yêu vẻ đẹp tinh tế của loài hoa này sẵn sàng bỏ ra vài triệu tới vài chục triệu để thuê một cây mai trắng chơi dịp Tết
Mai trắng
Những vị khách băn khoăn chọn lựa cho mình một cây mai chơi Tết




Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa

CÁNH HOA HẢI ĐƯỜNG ĐỎ THẮM RUNG RINH TRƯỚC GIÓ GỢI NHỚ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ TẾT CỦA MỘT THỜI GIAN KHÓ ĐÃ QUA.

Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 1
Ông Súy chăm sóc vườn hoa hải đường
Tôi đi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong ký ức về Tết xưa, đó là nồi bánh chưng bên bếp lửa rực hồng, là hơi ấm ổ rơm và tiếng pháo nổ giòn giã đêm giao thừa. Những năm 90 của thế kỷ trước, dù đói kém tới đâu mẹ tôi cũng cố mua một cành hoa hải đường về cắm trong bình trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Nụ hoa hải đường tròn như hòn bi ve đỏ thắm xen trong đám lá xanh ngắt viền răng cưa. Cuộc sống xoay vần, đã qua bao cái Tết bóng dáng hoa hải đường không còn hiện hữu trong căn nhà nhỏ của tôi. Bất giác nhớ về sắc hoa ấy, dù cuối năm bận bịu nhưng tôi vẫn tranh thủ tìm đến “vương quốc” của loài hoa này để được đắm mình trong miền nhớ Tết xưa.

Với diện tích 35ha, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương là thủ phủ của hoa hải đường ở TP.Hải Phòng. Tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Sinh Súy, 83 tuổi, là một trong những hộ trồng hải đường nhiều nhất và có truyền thống của làng Đồng Dụ. Căn nhà cấp 4 của ông ở giữa một vườn hải đường rộng hơn 3 sào. Trong bạt ngàn lá xanh mượt điểm xuyết những nụ, những hoa đỏ tươi, giống như chiếc áo mới sặc sỡ mà mẹ mua cho tôi mặc đi chơi Tết năm nào. Không gian bừng lên sức sống, cảm giác trong lành, thơm tho và bình yên tới lạ.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 2Hoa hải đường đỏ thắm mang đặc trưng của Tết xưa
Trong vườn nhà ông Súy có cây hải đường hơn 100 tuổi. Ông cho biết đã từng có người tìm đến mua với giá 30 triệu đồng nhưng ông không bán. “Đó là một người bạn tri kỉ từ đời ông bà nên bán làm gì. Mình phải giữ để nhắc nhở con cháu biết tổ tiên đã gây dựng nên thương hiệu cho làng Đồng Dụ này từ chính những đóa hoa hải đường thuần khiết”, ông Súy chia sẻ. Loài hải đường chỉ nở hoa một lần vào độ cuối năm, tuy chỉ có hương thơm thoảng qua nhưng lại rất cuốn hút bởi những cánh hoa đỏ tươi ôm lấy nhụy vàng rung rinh khoe sắc cả tháng trời. Cái màu ấy đặc trưng của Tết, tựa như những trang giấy đỏ viết thư pháp hay xác pháo tả tơi ở góc sân thuở nào.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 3Vợ chồng ông Súy bên cây hải đường cổ thụ
Ông Súy kể, từ ngày còn nhỏ ông đã theo mẹ mang hải đường đi bộ vào nội thành Hải Phòng bán dọc ven bờ sông Lấp. Cứ mỗi độ cuối năm là dân làng Đồng Dụ rục rịch cắt hải đường thành những cành nhỏ để bán. Dù không làm giàu được nhưng tiền bán hải đường cũng giúp người dân nơi đây sắm Tết tươm tất, ấm cúng. “Tôi còn nhớ năm nào ông nội tôi cũng cắt một cành hoa hải đường cắm bình trước ngày Ông Công Ông Táo.
Cứ như thế, gia đình tôi vẫn giữ cái nếp ấy, thấy hải đường tôi lại nhớ tới các cụ đã khuất!”, ông Súy nhớ lại. Tuy hoa hải đường không được chơi phổ biến như đào, quất, mai nhưng cái vẻ thanh tao, khiêm nhường của nó lại khiến người ta muốn về nhà ngay để quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm. Bao năm vật đổi sao dời, cha tôi đã về thiên cổ, còn mẹ tóc bạc mái đầu. Hoa hải đường vẫn thắm đỏ như nhắc nhớ về những người đi ngang qua cuộc đời.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 4Vườn hải đường trước cửa nhà thờ tổ dòng họ Phạm ở làng Đồng Dụ.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 5
7
Hoa hải đường thắm đỏ như nhắc nhớ về những người đi ngang qua cuộc đời.

Mai vàng ngày càng được người Hà thành ưa chuộng



mai vang, Ha Noi, Binh Dinh, thoi tiet, Ha Thanh, Tet nguyen dan

Những ngày cận Tết, đường phố Hà Nội trở nên lung linh hơn bao giờ hết nhờ sự góp mặt của sắc mai vàng phương Nam. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt kèm theo sự khan hiếm nên những cây mai vàng nhập từ miền Nam ra Hà Nội có sự tăng giá so với mọi năm.

Mọi năm, đi dọc những con phố hoa những ngày giáp Tết không khó cảm nhận được màu sắc rực rỡ của những cây mai vàng. Tuy nhiên, năm nay rất khó bắt gặp những chậu mai khoe sắc trên các con phố quen thuộc.
Do đặc tính thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội những ngày đông mà thị trường hoa mai phục vụ người dân Hà thành chơi Tết cũng ít đi trông thấy. Bởi mai vàng chỉ thích hợp với thời tiết nắng ấm nên từng chậu mai cũng cần được chủ nhân chăm sóc cẩn thận.
Lý giải về điều này, cô Nguyễn Thị Thảo - người bán mai vàng ngay trước cổng Trường đại học Y (Hà Nội) cho biết: “Bình thường trong Sài Gòn, thời tiết nắng nóng khiến những cây mai non nở hoa sớm và tàn hết, giờ chỉ còn lại những cây mai cổ và mai già mới cho ra hoa muộn.Vì vậy, bán mai là phải dựa vào độ tuổi của từng cây, mai càng già tuổi giá thành càng cao. Nên thị trường mai năm nay biến động và đắt hơn năm ngoái”.
Mai vang ngay cang duoc nguoi Ha thanh ua chuong-hinh-anh-1
Cũng theo cô Thảo, những cây to đẹp sẽ dao động từ 7- 10 triệu đồng/chậu, còn những cây bình dân có giá từ 2- 4 triệu đồng cũng giúp người tiêu dùng chơi được đến qua Tết, hoa có thể nở hết tháng 3 âm lịch.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà người Hà thành kém mặn mà với hương sắc phương Nam.
Anh Nguyễn Huy Phong (đường Lê Trọng Tấn, Q.Thanh Xuân) cho hay: “Năm nay, thời tiết thất thường, đào hay quất cũng không chơi được lâu nên gia đình quyết định mua cây mai chơi Tết, vừa có thêm màu sắc vừa tạo được không gian mới lạ”.
Mai vang ngay cang duoc nguoi Ha thanh ua chuong-hinh-anh-2
Khác với nhiều người đi chọn mai về trưng trong nhà trong dịp tết, chị Hoàng Anh Thư (đường Phạm Ngọc Thạch, Q.Đống Đa) lại tỉ mỉ, cẩn thận chọn từng chậu mai để đem đi biếu người thân. Chị Thư chia sẻ: “Thay vì mua quà biếu, năm nay vợ chồng tôi chọn biếu ông bà chậu mai vàng chơi Tết, thú chơi cây cảnh rất hợp với những người cao tuổi; vừa thể hiện được tấm lòng thành kính vừa đúng sở thích của ông bà”.
Trao đổi thêm với Báo điện tử Một thế giới, cô Thảo với nhiều năm kinh nghiệm trong việc bán cây cảnh vừa chỉ vào từng cây vừa tiết lộ cách chọn được những cây mai già: “Nhìn bằng mắt thường, một cây mai già là cây mai có gốc xù xì, sần sùi, ngoằn nghèo, rêu lên, đồng thời rễ thường là rễ chùm. Còn những cây thân nhỏ, gốc bé thì đa phần là cây còn non”.

Mai vang ngay cang duoc nguoi Ha thanh ua chuong-hinh-anh-3
Đưa ra lời khuyên trong việc chăm sóc để người tiêu dùng có thể chơi mai được lâu nhất, người bán hàng cho hay muốn mai bền lâu chỉ cần tưới nước bình thường. Nếu muốn hoa nở nhanh, có thể tưới nước hơi ấm vào gốc và phun nhẹ lên trên các cành và búp hoa. Khi thời tiết quá nóng, người chơi hoa có thể đặt vài viên nước đá to vào quanh gốc sẽ giúp hãm độ nở của hoa.
Dù thời tiết khắc nghiệt, cản trở rất nhiều tới sự phát triển của hoa mai nhưng cũng không ngăn được niềm đam mê cây cảnh của người Hà Nội. Vẫn có những người ghé qua, mua về cho mình một chậu mai vàng với mong muốn một năm sung túc, ấm áp, may mắn.
Mai vang ngay cang duoc nguoi Ha thanh ua chuong-hinh-anh-4

mai vang, Ha Noi, Binh Dinh, thoi tiet, Ha Thanh, Tet nguyen dan
Anh Nguyễn Quang Huy (đường Trường Chinh) chia sẻ: “Gia đình tôi mua mai không chỉ vì đẹp mà cây mai còn mang một ý nghĩa phong thủy rất lớn, mang lại nhiều điều may mắn, thịnh vượng. Ngày tết có thêm cây mai trong nhà nhìn rất vui mắt, chơi được lâu”.
Những ngày này, đường phố Hà Nội như được khoác thêm áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của nhiều loại hoa khác nhau. “Tuy nhiên, để chọn được một chậu mai ưng ý, đúng thời điểm, người mua nên quan tâm tới mục đích. Nếu để đi biếu, người tiêu dùng nên mua sớm, còn nếu chỉ để phục vụ trưng tết thì người chơi nên mua từ 23 tháng chạp đổ ra là hợp lý nhất”, cô Thảo nói thêm.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội


Đào Nhật Tân đang vào vụ Tết Bính Thân 2016 (Ảnh: CTV)

Tết đến trẻ em háo hức, vui mừng, người lớn lại bận rộn lo toan để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết no đủ, yên ấm. Hình ảnh những chiếc bánh chưng, mâm ngũ quả, cây quất, cây đào… từ lâu đã gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc. Nhắc đến hoa đào không thể không nói đến vùng đất Nhật Tân (Hà Nội), bởi nơi đây gắn liền với nghề trồng đào nổi tiếng lâu năm. 

Theo những người dân sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi, trong đó bãi là chủ yếu. Từ những năm 1990-1995, diện tích đất đồng của Nhật Tân lúc đó chỉ khoảng 34ha. Sau năm 1998, người dân chuyển đổi ra ngoài bãi sông Hồng trồng đào và từ đó tới nay phát triển trên 50ha. 

Ở Nhật Tân, người dân trồng đào truyền thống là chủ yếu nhưng bên cạnh việc trồng đào, người dân còn trồng cả cây quất, hoa tươi và rau xanh. Phường Nhật Tân hiện nay có hơn 340ha đất canh tác; trong đó diện tích đất nông nghiệp là gần 100ha, phường mới chuyển đổi được hơn 50ha diện tích đất sang trồng đào và vẫn đang tiếp tục chuyển đổi vì cây đào đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Đào thế cổ Nhật Tân. (Ảnh CTV)

Ở Nhật Tân có nhiều loại đào; trong đó có ba loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa. Trong đào thế thì có dòng thế bon sai, là những cây nhỏ để ở bàn uống nước hoặc đặt trong các gia đình có diện tích nhỏ. Trái ngược với bon sai là dòng đào công sở, chủ yếu có hình tháp, gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng. 

Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào, khi các mắt ghép lớn thành cành thì bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn. Trồng lai ghép nhanh đem lại lợi nhuận nhưng số vốn đầu tư mất nhiều hơn. Cây đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt. 

Đào cành thì có dòng đào tán tròn, tán to. Nhà to dùng đào tán to, tán nhỏ thì thường để lên bàn thờ. Một dòng khác là đào tự nhiên, với dòng này người trồng để cho cây lớn tự nhiên, uốn sửa rất ít. Tuy nhiên, đào cành đòi hỏi người trồng phải chăm bón và sửa hàng tháng. Đặc biệt, đào cành bắt buộc phải ghép từ cây đào ta lên, qua hai năm mới thu được thành quả. 

Đặc trưng không thể lẫn của đào bích Nhật Tân (Ảnh: CTV)

Bông hoa đào ở Nhật Tân phải có trên 16 cánh, đường kính bông hoa rộng trên 2cm, mật độ nụ hoa và lộc đảm bảo đúng quy định của thương hiệu. 

Bác Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Nhật Tân, chia sẻ năm 2005, hợp tác xã kết hợp với các ban, ngành của quận Tây Hồ cũng như của phường tiến hành xây dựng thương hiệu hoa đào và năm 2007 đã được công nhận thương hiệu hoa đào Nhật Tân; năm 2013 được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm tin cậy. 

Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ. Gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn. Dạng đào phai cũng khá phổ biến, vẫn cho cánh kép, nở rộ. Giống như bích đào, đào phai cũng có giống đào mắt đen, mắt nâu có thời gian tuốt lá cho hoa nở khác nhau. 

Đào phai Nhật Tân (Ảnh: CTV)

Đào trắng (bạch đào) có rải rác ở Nhật Tân nhưng do khách không có nhu cầu nhiều nên ít người trồng. Thường hoa đào trắng chỉ có trong các cây đào ghép với đào bích, đào phai. 

Đặc biệt, có một loại đào quý nhất là đào thất thốn, đây là loại đào cổ, hiếm, có sức sống mãnh liệt. Muốn trồng được đào thất thốn, người trồng đào phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Tưới cây phải tưới bằng nước sạch, bởi vậy, cây đào trở nên thanh cao, tao nhã, xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới chơi loại đào này. 

Đào ghép mắt trên gốc cổ (Ảnh: CTV)

Để chăm dưỡng được một cây đào quý này, vào những ngày rét mướt, sương muối hay những hôm nắng bỏng héo lá, người trồng đào phải là một "bà đỡ" thật khéo thì đào mới trụ được. Giống đào xù xì, rêu mốc này có sức hút kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, có thể trổ tới bảy bông hoa, nên gọi là thất thốn. 

Thất thốn đỏ từ rễ đỏ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm. Hoa đỏ vô cùng, tựa như hoa hồng nhung vậy, có thể nở từ gốc. Đào thất thốn rất khó nở hoa đúng dịp Tết, may mắn lắm thì 2 năm/lần cây mới nở hoa đúng dịp, cây càng nở ít hoa càng quý hiếm và có ý nghĩa hưng thịnh, năm mới may mắn lớn. 

Đào Nhật Tân đang vào vụ Tết Bính Thân 2016 (Ảnh: CTV)

Đào Nhật Tân trước kia được trồng ở ngoài cánh đồng nhưng sau quá trình đô thị hóa, đào Nhật Tân phải nhường đất cho những công trình nằm trong dự án quy hoạch, khiến người dân lo lắng đào Nhật Tân sẽ không còn tồn tại, sắc hoa đỏ thắm đặc trưng của vùng đất chuyên trồng đào chỉ còn trong dĩ vãng. Nhưng may thay, hôm nay đến với làng Nhật Tân, chúng tôi không phải thấy những ánh mắt buồn phiền vì làng đào phải nhường đất cho quá trình đô thị hóa. Thay vào đó là nụ cười hân hoan. 

Ông Chiến, chủ vườn đào Chiến Cúc, chia sẻ từ ngày chuyển ra bãi sông Hồng, thiên hòa, địa lợi, gió sông Hồng, gió hồ Tây cùng với đất sông Hồng đã tạo ra sắc hoa khác biệt cho đào Nhật Tân với những nơi khác. Những người trồng đào cũng không gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí từ khi chuyển ra đây nghề trồng đào còn phát triển hơn. Làng đào Nhật Tân vừa được công nhận làng nghề truyền thống tháng 12/2015. 

Ông Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Nhật Tân, cho biết trong tương lai, làng đào Nhật Tân sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa, bên cạnh đó cũng mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền để hệ thống hóa đường bêtông, đường điện, kênh tưới tiêu ổn định giúp người dân yên tâm sản xuất. 

Đào thắm 5 cánh Nhật Tân (Ảnh: CTV)

Hàng năm, hợp tác xã kết hợp cùng trung tâm khuyến nông và cơ quan bảo vệ thực vật mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho xã viên về kinh nghiệm bón phân làm sao để giữ đất chống bạc màu, phun thuốc đảm bảo không ô nhiễm môi trường, cách trồng làm sao để trên một đơn vị diện tích tăng năng suất, tạo ra thu nhập cao hơn. Trong năm tới, hợp tác xã cũng mong muốn tổ chức được hội chợ tại vườn để quảng bá hoa đào rộng hơn. 

Hoa đào Nhật Tân là biểu tượng văn hóa của Hà Nội và Việt Nam trong ngày Tết. Mỗi dịp Xuân về, sắc thắm của hoa đào lại nhuộm hồng từng góc phố, từng căn nhà khiến cho không khí Tết rộn ràng, ấm áp hơn. Thấy hoa đào, thấy Tết đã đến rồi./.