Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non

Gặp Thu Thủy, một cô giáo trẻ bình dị người Hải Dương, tôi biết mình đã nhầm khi cho rằng trong thời "fast-food" này thú chơi hoa thủy tiên chỉ dành cho những “tao nhân” nhàn nhã. Tất bật với công việc ở trường, với bao việc không tên của một phụ nữ đã có gia đình, con nhỏ, nhưng Thu Thủy vẫn có thời gian dành cho thú chơi tao nhã này.
Không chỉ tỉ mẩn gọt những giò thủy tiên yêu kiều để thỏa mãn đam mê của bản thân, Thu Thủy (vẫn được bạn trên Face book biết đến với nick name Mộng Khả Nhi) cùng chồng là anh Bùi Văn Tính còn tích cực tổ chức các buổi off-line (hoàn toàn miễn phí) để hướng dẫn mọi người cùng gọt tỉa thủy tiên. Như tuần trước, chiều thứ 7 vừa hướng dẫn cho các bạn Bắc Ninh xong, tối họ vội vã quay về nhà (Hải Dương), để chiều hôm sau lại tất bật lên Hà Nội. Tất cả là vì niềm đam mê với hoa thủy tiên.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Thu Thủy và Bùi Văn Tính cùng nhau chăm sóc những ly thủy tiên cho Tết Bính Thân
Thu Thủy cũng mới “bén duyên” với hoa thủy tiên từ mùa đông năm ngoái, khi may mắn gặp được những “tri kỷ” của thú chơi qua Facebook. Cô tổ chức những buổi hướng dẫn gọt thủy tiên cũng là để thực hiện nguyện vọng của các bậc cao niên (trong đó có “sư phụ” của cô – bác Nguyễn Phú Cường): muốn khôi phục một thú chơi tao nhã của người Việt đang bị lãng quên gần 20 năm nay!
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non

Anh Tính (ngồi giữa) đang hướng dẫn các bạn Hà Nội gọt thủy tiên trong buổi offl-line tại Bách Thảo
Một bình thủy tiên gọt sẵn có giá:500.000-700.000VND. Nếu tự gọt sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều: 
-30.000-45.000VND/1củ -50.000VND/dao gọt 
-45.000VND/ly
(Tổng chi phí: <150.000VND)
Tham gia một buổi off-line của Thu Thủy, tôi “ngộ” ra rằng thực ra để có một giò thủy tiên theo cách thức giản dị nhất thì cũng không đỏi hỏi kỹ năng gì cao siêu lắm. Chỉ cần tĩnh tâm, tỉ mẩn, khéo léo một chút, và đặc biệt là được học hỏi kinh nghiệm từ những “sư phụ” nhiệt huyết, không “giấu nghề” như Thu Thủy là chúng ta có thể tự tay tạo ra một giò thủy tiên thật đẹp để đón Tết. Thu Thủy cho biết, năm ngoái, với củ thủy tiên "đầu đời", cô phải mất gần 2 tiếng mới gọt xong. Nhưng khi đã quen tay, cô chỉ cần chưa đầy nửa giờ. Cũng ngay từ mùa đầu tiên, Thu Thủy đã thành công với gần 20 giò thủy tiên đẹp lung linh. Và tất cả được cô dùng để tặng người thân, bạn bè nhân dịp Tết Nguyên đán. Chúng ta hãy cùng học hỏi bí kíp gọt thủy tiên "bất bại” của cô giáo này nhé!
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Dao gọt thủy tiên (được bán nhiều trên phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội)
Các bước cắt gọt thủy tiên
Củ thủy tiên tương tự như củ hành tây. Toàn củ gồm 1 củ to ở giữa và vài củ nhỏ cạnh sườn. Bên trong mỗi củ có các mầm hoa, mầm lá. Dưới đáy củ là vầng rễ già màu ngà (từ đây sẽ mọc ra chùm rễ mới trắng muốt). Dưới vầng rễ có chút đất bảo vệ. Mục đích của việc gọt tỉa củ thủy tiên là làm lộ ra các mầm hoa giúp hoa phát triển nhanh hơn, đồng thời xén lá để chúng phát triển uốn lượn đẹp mắt phía dưới, làm “nền” cho các mầm hoa vươn cao. Ta chỉ gọt một mặt củ, mặt còn lại để nguyên, làm đế khi trưng vào ly, chậu.
1. Làm sạch củ
Trước tiên bóc bỏ đất ở đáy củ:
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Sau đó làm sạch đáy củ (chú ý không phạm vào vầng rễ vòng quanh đáy) va bóc hết các bẹ lá khô:
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
2. Bóc vỏ
Dùng lưỡi dao khứa lên mặt củ (cách vầng rễ khoảng 1cm) rồi rạch một đường vòng cung để lần lượt bóc từng lớp vỏ ra. Quá trình bóc vỏ, sẽ lộ ra các mầm vòng ngoài, nghiêng ngả thì ta cắt bỏ.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Bóc vào gần đến giữa củ sẽ lộ dần ra các mầm chính nằm thẳng hàng với nhau ta mới giữ lại. Mỗi mầm (gồm có 4-5 lá ôm lấy cuống và bao hoa) được bao bọc bởi lớp bào mầm (tức lớp màu trắng bao ngoài như hình dưới).
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Với các củ bên sườn, cũng bóc, gọt tương tự như củ chính. Riêng hai củ ngoài cùng Thu Thủy thường không bóc tỉa mà cho chúng phát triển tự nhiên (khi đó lá sẽ to và vươn thẳng lên) để tạo dáng thành hai cái quai của giò hoa.
3. Bóc bào mầm
Trước tiên dùng chuôi dao để khoét sâu các khe giữa các mầm, cho các mầm nổi hẳn lên để sau đó dễ bóc bào mầm. Tiếp đó, dùng mũi dao rạch nhẹ bào mầm để lộ ra lá và bao hoa. Động tác này cần hết sức cẩn thận vì rất dễ phạm vào bao hoa. Nếu làm rách bao hoa chắc chắn bạn sẽ làm hỏng mầm hoa bên trong.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Sau khi bóc bào mầm sẽ để lộ ra mầm lá và bao hoa (tức bao nhỏ màu vàng nhạt hơi phồng ra giữa những mầm lá màu xanh lá mạ).
4. Xén lá
Mẹo nhỏ: Để việc xén lá dễ dàng, giảm nguy cơ làm phạm vào bao hoa, công đoạn này bạn nên làm sau ngày thủy dưỡng đầu tiên, khi các lá hoa no nước căng ra, không còn ôm khít vào bao hoa.
Muốn lá mọc thấp và uốn lượn phía dưới hoa thì cần phải xén lá. Ta sẽ xén đi khoảng 1/3 bề rộng của lá, bằng cách dùng máng dao xén dọc xuống theo chiều dài của lá tới tận cuống lá. Nếu muốn giữ lại phần đầu lá tròn cho mềm mại, tự nhiên, bạn có thể nhích dao xuống dưới đầu lá một chút rồi mới xén dọc xuống.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
5. Cạo cuống hoa
Nếu không tác động vào cuống, chúng sẽ mọc thẳng đuột lên cao. Muốn cuống hoa uốn cong duyên dáng, ta dùng dao cạo một lớp mỏng tại cuống hoa (nằm ngay dưới đế của bao hoa). Bạn cạo nhiều cuống hoa sẽ cong nhiều, cạo ít cuống hoa cong ít, cạo chiều nào, hoa sẽ cong về chiều đó. Nhớ cẩn thận để không làm gẫy cuống hoa.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Củ thủy tiên này sau khi ngâm một ngày đã được xén lá và cạo cuống hoa
Quá trình thủy dưỡng
Củ thủy tiên sau khi gọt cần được nuôi trồng trong nước. Đây là khâu quan trọng vì nó sẽ quyết định chất lượng của giò hoa. Kinh nghiệm thủy dưỡng của anh Tính, chị Thủy như sau:
Ngày 1 và 2: Ngâm úp mặt cắt củ thủy tiên xuống bát nước để nhựa từ các vết cắt chảy ra. Mỗi ngày hai lần, dùng chổi lông cọ rửa củ cho sạch nhựa (nếu không sạch nhựa các vết cắt sẽ bị thâm). Nên rửa dưới vòi nước chảy nhẹ hoặc trong chậu nước (nước lạnh càng tốt). Khi rửa thấy chỗ nào bị giập nên cắt bỏ (vì vết giập rất dễ làm củ bị ủng), chú ý tránh phạm vào rễ khiến chúng bị tổn thương.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Ngày 3 và 4: Tiếp tục ngâm nhưng để ngửa mặt cắt lên. Hàng ngày cũng dùng cọ “tắm rửa” như trên, nhưng trên mặt cắt phủ thêm một miếng vải cotton (có thể cắt từ áo may ô hay áo em bé cũ, không nên dùng vải xô quá mỏng rễ có thể mọc dài đâm xuyên vào, khi gỡ ra sẽ làm gãy rễ). Mục đích phủ miếng vải là để vải hút nước bên dưới lên, giữ cho các vết cắt trên mặt không bị khô, thâm.
Ngày 5: Từ thời điểm này ta đặt củ vào ly, mặt cắt ngửa lên, đổ nước xâm xấp mặt cắt, vẫn phủ miếng vải và hàng ngày chỉ cần "tắm rửa", thay nước 1 lần.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
- Nước dưỡng thủy tiên tốt nhất là nước mưa, nước giếng. Nếu dùng nước máy phải vặn ra để hai ngày cho bay hết hơi clo.
- Mấy ngày đầu nên để chậu thủy dưỡng trong nhà. Khi lá bắt đầu mọc dài và xanh mới đưa ra ngoài trời, tránh để dưới ánh nắng trực tiếp, dưới mưa gió. Buổi tối đưa chậu vào nhà để tránh sương.
Hàng ngày khi thay nước, “tắm rửa” củ hoa, người đam mê thủy tiên còn tỉ mỉ uốn lá để tạo dáng theo ý thích riêng. Khi thủy tiên mới ra nụ cuống còn giòn, bạn chưa nên tác động vào. Nhưng khi đã ra hoa, cuống trở nên mềm dẻo và ta có thể dễ dàng uốn nắn để tạo nên các giò hoa với dáng vẻ khác nhau
Thời điểm gọt
Từ lúc gọt củ đến khi hoa nở khoảng 20-25 ngày, tùy thời tiết (trời lạnh hoa nở muộn, trời ấm hoa nở nhanh). Muốn chắc ăn có thủy tiên nở đúng Giao thừa hay mồng 1 Tết, trước thời điểm này từ 20 đến 25 ngày, bạn có thể lần lượt gọt 5 củ (mỗi củ một ngày). Ngoài ra, có thể điều chỉnh bằng cách: Muốn hoa nở sớm hơn thay nước ấm để thủy dưỡng, phơi ra ngoài nắng trực tiếp, đêm dùng bóng điện chiếu sáng. Muốn hoa nở muộn thì phải nhiều lần thay nước lạnh, để hoa chỗ mát, ban đêm đưa ra ngoài trời. Thời điểm để bạn thể điều chỉnh ngày ra hoa theo ý muốn là từ khi hoa xé bao nang đến khi hé nở (khoảng 5 ngày)
Một giò thủy tiên đạt thành công là hoa nở đúng dịp Tết với lá uốn lượn uyển chuyển, bộ rễ dài, mảnh, thẳng và trắng muốt.
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Thủy tiên sau 2 tuần tuổi
Bí kíp gọt thủy tiên “bất bại” của cô giáo mầm non
Khi thủy tiên đã ra hoa, từ một ly hoa ta có thể nắn cuống để tạo nên những dáng vẻ khác nhau
Chúc bạn sẽ có được những giò thủy tiên “cây nhà lá vườn” thật đẹp để thưởng thức và làm tặng cho bạn bè, người thân nhân dịp xuân mới.
Lúc 14 giờ 30 ngày chủ nhật (10/1/2016), tại quảng trường thành phố Hải Dương, chị Thu Thủy và anh Bùi Văn Tính sẽ tổ chức off-line hướng dẫn cách gọt tỉa thủy tiên. Chương trình hoàn toàn miễn phí, dành cho các bạn quan tâm và muốn trao đổi, học hỏi về cách tỉa, chăm sóc hoa thủy tiên. Bạn có thể mang theo các dụng cụ chuyên dụng hoặc liên hệ với chị Thủy để được tư vấn về từng loại dụng cụ phù hợp (0969053982 - 0916143494)
Bài: Bình Minh


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét