Cymbidium trồng trong chậu với chất trồng thay đổi tùy nơi, có nơi dùng vỏ cây, lá khô mục, dớn mịn, xơ dừa….có thể thêm cát, sỏi để tăng độ thông thoáng trong chậu, có khi trộn thêm phân hữu cơ. Phải cho cân bằng các chất dinh dưỡng và các yếu tố vi lượng. Độ pH hơi acid, khoảng 5,5 -> 6.
* Cách sang chậu và gây giống Cymbidium
Chỉ sang chậu khi rễ mọc dày cứng, chật chậu hoặc đất trồng trở nên chua và cây bị hư rễ. Thường tiến hành nhân giống cùng lúc với sang chậu, vào ngay khi hoa tàn.
Trước hết, nhổ cây lan ra khỏi chậu, rửa sạch và loại bỏ những phần khô chết (lá khô, rễ già, thối…). Đặt than vào đáy chậu để cho dễ thoát nước. Không dùng chậu quá lớn. Đặt cây vào ( thường cắt lấy từng đơn vị, mỗi đơn vị có 2 giả hành cũ và một chồi mới) rồi cho chất trồng vào chung quanh, vỗ nhẹ vài cái để chất trồng được nén chắc hoặc dùng tay nén chặt chung quanh bên hông chậu rồi cho thêm chất trồng vào, chỉ chừa cách miệng chậu khoảng 2-3 cm.
Ở miền đồng bằng thường trồng Cymbidium aloifolium trong chậu có lỗ với chất trồng là than, xơ dừa, hoặc trồng trong trái dừa khô đã đục lỗ, hoặc trồng ghép trên thân cây theo kiểu trồng phong lan, chúng cho hoa nhiều chùm thòng vào đầu mùa mưa. Cần cắt nước vào mùa khô khoảng một tháng, nếu vẫn tưới nước quanh năm thì chúng sẽ khó cho hoa. Thời gian nghỉ vào mùa khô là bắt buộc đới với loài lan này.
Các loài lan Cymbidium rất được ưa chuộng ở nước ngoài nhưng họ phải trồng trong nhà kiếng, rất khó khăn và tốn kém.Trái lại ở Việt Nam, chúng dễ dàng phát triển tốt đẹp ở các cao nguyên bao la của Lâm Đồng, Gia lai – Công Tum, Đắc Lắc, nên Cymbidium cần được chọn làm giống lan xuất khẩu chủ lực của ngành lan Việt Nam ở vùng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét