Hoa hồng leo tạo nên nét trang trí đẹp, thanh lịch cho nhà ở dù có cấu trúc theo chiều ngang hay thẳng. Về mặt kỹ thuật, hoa hồng leo không phải là một giống hoa hồng đặc trưng. Thuật ngữ này dùng để chỉ bất kỳ loại hoa hồng nào phát triển thành bụi, khóm rậm rạp và tất nhiên là leo cao hơn bình thường.
Hồng leo là cây bụi lớn, rất dễ vượt tầm kiểm soát nếu bỏ mặc chúng không chăm sóc, nhưng bằng cách uốn nắn nhẹ nhàng với hàng rào/lưới mắt cáo, bạn có thể tạo ra dàn hoa leo tuyệt đẹp.
Bắt đầu trồng hoa hồng
1. Xác định thời điểm trồng tốt nhất
Bạn nên trồng hoa hồng leo vào thời điểm đầu mùa xuân, hè và thu để chúng có cơ hội hình thành bộ rễ khỏe mạnh trước khi mùa đông đến. Hồng leo trồng vào mùa xuân có sức đề kháng và sinh trưởng mạnh mẽ hơn nhiều so với 2 mùa còn lại.
2. Chọn vị trí trồng thích hợp
Nhìn chung, hoa hồng ưa ánh nắng mặt trời, do đó, vị trí trồng cây phải được chiếu sáng ít nhất 6 tiếng/ngày. Vị trí tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời buổi sáng từ hướng Đông luôn tốt hơn so với vị trí chỉ đón được ánh nắng gay gắt buổi chiều từ hướng Tây.
Nơi trồng cây cũng phải thật rộng rãi. Hồng leo có xu hướng chiếm nhiều không gian khi lớn lên, bạn không nên trồng hoa quá gần các cây khác trong vườn.
3. Cải tạo đất trồng
Hoa hồng cần ánh sáng, đất trồng thoát nước tốt, giàu chất dinh dưỡng. Dùng xẻng hoặc bay đánh tơi đất ở vị trí muốn trồng, trộn thêm phân bón. Lượng phân bón thích hợp chiếm 1/3 - 1/2 tổng số đất trồng.
4. Ngâm rễ cây giống
Hoa hồng leo thường được trồng với bộ rễ trần, không để nguyên bầu đất. Rễ cây giống phải được ngâm trong nước ấm khoảng 1 giờ trước khi trồng.
5. Đào một hố đủ lớn để rễ cây lây lan
Một nguyên tắc nhỏ bạn nên nhớ là kích thước của hố cần lớn gấp đôi kích thước cây giống. Thông thường, miệng hố rộng 45 cm và sâu 31 cm là lý tưởng nhất.
6. Tạo một gò đất nhỏ ở chính giữa phần đáy của hố
Dùng chính đất cạo từ trong lòng hồ để đắp gò đất này.
7. Đặt cây giống vào trong hố, ngay trên gò đất và điều chỉnh sao cho các nhánh rễ tỏa đều ra xung quanh, hướng sâu xuống dưới.
8. Lấp đất đầy hố
Bạn lấy phần đất vừa xúc ra ngoài lấp đầy hố trở lại. Lưu ý chỉ lấp đất che kín rễ và phần thân bên dưới, toàn bộ cành và lá non của hoa phải trồi lên khỏi mặt đất. Thao tác nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương bộ rễ.
9. Tưới nước
Bạn không phải tưới quá nhiều nước cho cây nhưng vẫn đảm bảo đủ độ ẩm cần thiết giúp cây làm quen với môi trường mới.
10. Khoảng cách giữa các cây hoa hồng leo từ 1 - 4 mét
Nếu trồng hoa leo tường hoặc lưới mắt cáo thì khoảng cách rút ngắn xuống còn 1 mét. Nhưng nếu trồng hoa leo hàng rào thì khoảng cách giữa các cây phải từ 2.4 - 4 mét.
Làm giàn cho hoa hồng leo
1. Lựa chọn kiểu giàn
Trọng lượng của hoa hồng leo tương đối nặng, bạn sẽ cần nhiều hơn một chiếc cọc để chống đỡ chúng. Cân nhắc thiết kế giàn leo hình tháp hoặc túp lều. Vật liệu có thể chọn giữa tre, gỗ, dây thép, lưới mắt cáo...
2. Xác định vị trí đặt giàn cho hoa
Đặt giàn cách cây trồng từ 15 - 30 cm. Nếu trồng hoa hồng gần tường hoặc hàng rào, bạn không nên đặt giàn dựa trực tiếp chúng. Thay vào đó, bạn nên để một khoảng trống ít nhất 30 cm giữa giàn và tường để hoa có thêm nhiều không khí hơn.
3. Cố định giàn xuống đất
Cắm phần chân của giàn sâu vào trong đất tối thiểu 10 cm. Nếu đất trồng quá cứng, bạn có thể phải đào sẵn hỗ để cắm giàn. Sau đó, lấp đất và nén chặt để giữ chiếc giàn đứng vững.
4. Gắn cành hoa hồng với giàn cây
Chọn lấy những cành hoa hồng khỏe khoắn và buộc nhẹ vào giàn bằng dây dù hoặc dây vải. Tuyệt đối không siết chặt cành hoa vào giàn, chỉ buộc hờ để cành tiếp tục leo cao dễ dàng. Duy trì khoảng cách giữa các cành nhằm định hướng chiều phát triển theo ý muốn.
5. Cắt tỉa cành đều đặn, đặc biệt là những cành quá già/bị héo úa hoặc đã chết. Mỗi bụi hồng leo có thể sống từ 2 - 3 năm nếu được chăm sóc đúng cách.
AloBacsi.vn
Theo Eva
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét